Bàn về câu nói Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động

Đề bài: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” anh/ chị hãy nêu suy nghĩ về câu nói trên

Trong xã hội xưa và nay, người Việt Nam chúng ta luôn đề cao những giá trị đạo đức tốt đẹp, đặt ra ở con người những chuẩn mực nhất định về đạo đức, đó là những đức tính tốt đẹp có thể nâng cao giá trị của con người, gắn kết tình cảm giữa con người với con người trong xã hội. Mặt khác, có đạo đức sẽ làm cho một đất nước, một quốc gia hưng thịnh, phát triển và trường tồn. Bởi vậy mà trong bất kì thời đại nào đi chăng nữa, con người vẫn cần có đạo đức, có tiết hạnh để có thể nhận thức mình là ai, mình có vai trò gì trong xã hội này và chung sống như thế nào với cộng đồng xung quanh. Nhưng mọi giá trị của phẩm chất, đức hạnh ấy chỉ tồn tại trong suy nghĩ, tư tưởng mà không bộc lộ ra bên ngoài bằng những hành động thì cũng không có ích gì, chẳng khác gì viên ngọc sáng mà đem đi cất giữ, chẳng ai biết và cũng chẳng có giá trị gì. Cũng như câu nói “Mọi phẩm chất đức hạnh là ở hành động”.

Câu nói “Mọi phẩm chất đức hạnh là ở hành động” thể hiện một tầm nhìn mang tính khái quát, đúng đắn trên cơ sở đánh giá đúng được vai trò của những giá trị đạo đức, song cũng nhận thấy được rằng mọi phẩm chất đức hạnh ấy chỉ có gí trị thực sự khi nó được bộc lộ ra bên ngoài. Không biểu hiện ra bằng những hành động thì có những giá trị đạo đức cũng đâu có nghĩa lí gì, nó chỉ tồn tại trong tư tưởng của chúng ta, ngoài ra tất cả chỉ trống rỗng, không có gì có thể thay đổi, sự có mặt của nó không được ai hay biết, và cũng chẳng có giá trị gì đối với bản thân cũng như đối với những người xung quanh chúng ta.

“Phẩm chất đức hạnh” ở đây chính là chỉ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp được xã hội công nhận, góp phần nâng cao giá trị của con người, mà sự có mặt của những phẩm chất tốt đẹp sẽ làm cho cuộc sống không chỉ của riêng cá nhân ai mà cho cả cộng đồng, cả xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Ở trong xã hội đó con người sẽ đối xử với nhau bằng những giá trị của chuẩn mực, bằng tình người chứ không phải bằng bản năng hay tư duy lí tính. Vì vậy mà mối quan hệ giữa con người với con người nhờ những phẩm chất đức hạnh ấy cũng trở nên gắn bó khăng khít hơn.

Bàn về câu nói Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động
           Bàn về câu nói Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động

Mọi phẩm chất đức hạnh ở đây là dùng để chỉ những giá trị đạo đức tốt đẹp như: Lòng trung nghĩa, thủy chung, thật thà, tự trọng, yêu quê hương, tổ quốc…Phạm trù của đức hạnh vô cùng rộng lớn, ở mỗi lĩnh vực của đời sống đều có những khái niệm về đức hạnh riêng, nhưng đặc điểm chung là chúng đều là những giá trị đạo đức tốt đẹp, góp phần hình thành nhân cách của con người, được xã hội thừa nhận. Và những đức hạnh ấy sẽ là những tiền đề để ta có thể khẳng định sự tồn tại cũng như giá trị của bản thân.
Chẳng hạn: Một người có tấm lòng thương yêu sẽ luôn có ý thức giúp đỡ, tương trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Từ đó mà nhân cách của họ được công nhận, được nhiều người tôn trọng, yêu thương. Hay những người dân Việt Nam có tình yêu nước nồng nàn, nhờ tình yêu đó mà dân tộc Việt Nam hết lần này đến lần khác đánh đuổi được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.

Câu nói “Mọi phẩm chất đức hạnh là ở hành động” muốn nhấn mạnh vai trò của hành động trong việc thể hiện ra bên ngoài những đức hạnh đáng quý, tốt đẹp ấy. Câu nói này hoàn toàn đúng đắn, bởi hành động chính là con đường, là cách thức để ta “thực hành” những đức hạnh đó, nếu như ta chỉ giữ những phẩm chất đức hạnh ở trong lòng thì không ai biết đến, bản thân chúng ta cũng sẽ dần quên lãng rằng ta có những đức tính như vậy. Mà hơn hết, nếu không được biểu hiện ra bằng hành động thì những đức hạnh chỉ tồn tại ở dạng ý thức, là những lí thuyết suông, không hề có một chút tác dụng, thậm chí nếu không biểu hiện ra bằng hành động thì chưa chắc đã phản ánh được giá trị của bản thân mình, ta cứ chắc mẩm rằng mình là người có đạo đức, nhưng trong thực tế chưa chắc đã phải vậy, có thể chỉ là ảo tưởng của bản thân ta.

Vì vậy mà để những đức hạnh thực sự phát huy được những giá trị của nó thì ta phải thông qua con đường hành động và bằng hành động. Chỉ có hành động thì ta mới thực sự đem những đức hạnh của bản thân mang ra phục vụ cho cuộc sống của chính mình, khẳng định được giá trị của bản thân, chứng minh rằng đó không chỉ là những thứ lí luận suông tồn tại trong tâm thức mà nó còn là thực tiễn ta có thể hành động. Mặt khác, chỉ có hành động thì những giá trị của đức hạnh mới thực sự ý nghĩa như chính tên gọi của nó, bởi cuộc sống của con người là một chuỗi những hành động không ngừng, nếu không hành động thì cuộc sống của chúng ta cũng trở nên vô vị, nhạt nhòa, sự tồn tại của con người cũng chẳng còn ý nghĩa.

Như ví dụ ở trên, nếu một người có tấm lòng yêu thương đối với con người, với đồng loại nhưng không bao giờ dám hành động, thể hiện tình thương ấy với một đối tượng cụ thể thì không ai nói anh là một người giàu yêu thương. Nếu gặp một người bị nạn trên đường đang rất cần sự giúp đỡ, dù trong lòng rất thương cảm nhưng lại chẳng có hành động thiết thực gì, nhìn rồi lại quay lưng đi thì không những không biểu hiện được tình thương mà còn bị đánh giá là một con người vô cảm, lạnh lùng. Hay người Việt Nam yêu nước là vậy, nhưng nếu ai cũng chỉ biểu hiện tình yêu nước ấy trong suy nghĩ, không đoàn kết lại hành động thì có lẽ giờ đây dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn chìm đắm trong ách áp bức, sống cuộc sống lệ thuộc, không tự do.

Trong bất kì thời đại nào cũng vậy, những giá trị về đạo đức đều vô cùng đáng quý, người ta sẽ không căn cứ vào việc đất nước ấy đang phát triển như thế nào mà sẽ lấy đời sống của nhân dân quốc gia đó làm thước đo đánh giá trình độ phát triển của quốc gia, đất nước đó. Nếu như người dân của quốc gia đó luôn có ý thức chấp hành những điều lệ, pháp luật, con người sống với nhau bằng tình thương, không xảy ra những xung đột, xích mích thì quốc gia đó sẽ có một xã hội phát triển. Ngược lại, nếu như kinh tế phát triển nhưng trong xã hội rối loạn bởi con người coi thường pháp luật, sống vô cảm, ích kỉ thì sự phát triển ấy chỉ mang tính hình thức mà chẳng thể tồn tại được lâu dài.

Nhấn mạnh vai trò của hành động, câu nói “Mọi phẩm chất đức hạnh là ở hành động” vô cùng đúng đắn, đúng đắn không chỉ trong giới hạn của thời đại nào, quá khứ hay hiện tại mà nó đúng với bất kể một thời đại nào. Con người nếu biết hạnh động thì những phẩm chất đức hạnh không chỉ có điều kiện bộc lộ ra bên ngoài, nâng cao giá trị của bản thân, làm cho cuộc sống của mình, cuộc sống của người khác trở nên ý nghĩa, mà những hành động ấy còn có sức lan tỏa trong cộng đồng, những hành động đẹp bao giờ cũng sẽ được ngưỡng mộ và học tập. Nếu cả cộng đồng đều có những phẩm chất đạo đức tốt đẹp thì xã hội sẽ không còn có những bất công.

Trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, vẫn còn không ít những con người chưa dám hành động, chưa dám thể hiện giá trị của bản thân mình. Trong thực tế họ là những người tốt nhưng lại luôn sống an phận, không có bất kì những hành động cụ thể nào, vì vậy cuộc sống của họ cũng nhạt nhòa, vô nghĩa cũng như chính tư tưởng ẩn dật, an nhàn của họ. Ở đây tôi không nói sống an nhàn là tốt, nhưng cái cần nói ở đây chính là cái an nhàn theo lối thực dụng, sống cho bản thân mình, có những giá trị đạo đức đấy nhưng giữ trong lòng không dám bộc lộ.

Câu nói “Mọi phẩm chất đức hạnh là ở hành động” là câu nói thể hiện được quan điểm đúng đắn của người nhận định, thể hiện sự hiểu biết đối với cuộc sống của con người. Cũng qua đó đề ra bài học đạo đức đáng quý cho con người, khuyên răn con người hãy hành động, biết hành động để cuộc sống thêm ý nghĩa, làm cho xã hội ngày càng phát triển.

TỪ KHÓA TÌM KIẾM

ĐỨC HẠNH

DUC HANH

ĐỨC HẠNH LÀ HÀNH ĐỘNG

ĐẠO ĐỨC

CÂU CHUYỆN ĐẠO ĐỨC

Related Posts